Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Mức độ nguy hiểm và cách điều trị bệnh béo phì

Đời sống ngày càng cao thì tỉ lệ mắc bệnh béo phì càng nhiều. Bệnh gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và đời sống của người bệnh ngoài ra còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm khác. Chính vì thế việc điều trị căn bệnh này là rất cần thiết.
Mức độ nguy hiểm của béo phì?

Khi một người bị béo phì, không kiểm soát được cân nặng thì tình trạng rối loạn mỡ máu sẽ xuất hiện. Nếu tình trạng này không được kiểm soát thì dần dẫn đến các bệnh lý về tim mạch. Và nếu như tình trạng mỡ máu tăng cao mà trong đó chủ yếu là cholesterol không được kiểm soát sẽ gây ra tình trạng xơ vữa động mạch và tạo thành những mảng xơ vữa bám vào lòng thành mạch. Nếu nó làm tắc hẹp một mạch máu nào đó ở tim thì giảm thiểu lượng máu đi nuôi cơ tim gây ra bệnh lý mạch vành, hoặc làm tắc một mạch máu nào đó trên não gây tai biến mạch máu não gây hậu quả rất nghiêm trọng, có thể dẫn đến tàn phế thậm chí gây tử vong.

Béo phì còn là nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường và làm gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh lý về sỏi, mật cao gấp 3 - 4 lần người bình thường.

Theo một số các nghiên cứu còn cho thấy béo phì làm gia tăng tỉ lệ các bệnh ác tính. Ví dụ như ung thư vú, hoặc ung thư cổ tử cung ở phụ nữ, ung thư mật, ung thư thận, ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới. Ngoài ra, béo phì còn gây ra những khó khăn đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai như: sinh nở khó hơn, bị cao huyết áp, đái tháo đường trong quá trình mang thai. Béo phì còn khiến di chuyển khó khăn, phản xạ chậm trong sinh hoạt và lao động thường ngày, làm gia tăng tỷ lệ bị tàn phế do gặp tai nạn.

Cuối cùng, rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những người bị bệnh béo phì có tuổi thọ ngắn hơn so với người bình thường.

Điều trị béo phì như thế nào?

Mục tiêu hàng đầu trong điều trị bệnh béo phì là làm giảm thể trọng thừa và ngăn ngừa các biến chứng. Vì vậy, người bệnh cần xây dựng cho mình một chế độ ăn kiêng và tập luyện thể dục thể thao để giảm cân một cách hiệu quả.

Điều chỉnh chế độ ăn uống: Uống một cốc nước, ăn một bát canh rau hoặc ăn một đĩa rau luộc trước mỗi bữa ăn sẽ giúp giảm năng lượng, tạo cảm giác no, làm giảm bớt lượng thức ăn khác. Nên tăng cường ăn nhiều rau xanh và hoa quả. Không nên ăn loại hoa quả có nhiều tinh bột và nhiều ngọt. Hạn chế những món chiên xào, rán, nội tạng động vật, đồ uống có gas. Không nên ăn vặt.

Với người bị béo phì nên chú trọng bữa sáng, giảm ăn về trưa và ăn hạn chế vào buổi tối. Nên ăn đều đặn và không nên bỏ bữa.

Tập luyện thể lực: Với người bị bệnh béo phì thì việc vận động khá khó khăn. Những bài tập phù hợp với người bị béo phì như: đi bộ, đi xe đạp, chạy bộ, bơi lội. Việc tập thể dục thể thao giúp tăng cường tiêu thụ năng lượng. Mỗi ngày, bạn nên bỏ ra từ 20 đến 30 phút để tập luyện cho đến khi đạt 300 phút/ tuần.

Với những trường hợp quá béo, cơ thể nặng nề thì không nên tập thể dục vì dễ bị đau khớp, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để chọn ra phương pháp tập luyện phù hợp.

Phương pháp dùng thuốc: Phương pháp dùng thuốc được áp dụng khi hai phương pháp trên không có hiệu quả. Tuy nhiên, việc dùng thuốc như thế nào cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. Không nên tự ý mua thuốc giảm cân để dùng.

Điều trị bằng phẫu thuật: Phương pháp này không được áp dụng cho trẻ em trước tuổi vị thành niên, người đang mang thai hoặc cho con bú, bệnh nhân bị rối loạn tâm thần chưa được điều trị… Sau khi được phẫu thuật, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ theo chế độ ăn uống và sinh hoạt do bác sĩ đề ra.

Phương Thúy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét